Một trong những tính năng phổ biến trên các dòng tai nghe không dây hiện nay đó là khả năng chống nước chống bụi giúp bảo vệ tai nghe khỏi nước hoặc bụi bẩn, các tiêu chuẩn có thể kể đến như IPX5, IP67, IP68…
Nhưng không phải ai cũng biết về các tiêu chuẩn này và mức độ kháng nước của các chuẩn này ở mức độ nào, để nắm rõ hơn về điều này thì chúng ta cùng đi vào bài viết nhé.
Các tiêu chuẩn kháng nước kháng bụi
Phân loại các tiêu chuẩn
Có 2 tiêu chuẩn thường được dùng để ám chỉ sự kháng nước kháng bụi đó là chuẩn ATM và chuẩn IP.
Chuẩn IP
IP trong chuẩn kháng nước kháng bụi là viết tắt của Ingress Protection – là tên một hệ thống quy chuẩn quốc tế cho biết khả năng bảo vệ các thiết bị điện tử khỏi các tác nhân như bụi và nước. Được công bố bởi IETC (International Electro Technical Commision – Ủy ban Kỹ thuật Điện tử Quốc tế).
Bạn cần lưu ý IP là chuẩn kháng nước chứ không phải chống thấm nước.
Kháng nước chỉ là ngăn không cho nước chảy vào bên trong thiết bị và chỉ kháng ở một mức độ nhất định, vượt qua ngưỡng đó thì nước hoàn toàn có thể bị thấm vào bên trong.
Chống thấm nước có nghĩa là nước hoàn toàn không thể thấm vào bên trong dù bất cứ áp suất nào hay loại nước nào.
Khi nhắc đến các thiết bị điện tử chúng ta ngầm hiểu đó là ‘kháng nước‘
Nào vậy những con số đằng sau dãy IP… là gì
Số đầu tiên, vd IP6…: thể hiện mức độ bảo vệ của thiết bị đối với tác động từ các VẬT THỂ RẮN (bụi), bắt đầu từ số 1 (cú chạm như cầm tay) đến số 6 (chống bụi hoàn toàn)
- IP0…: không bảo vệ
- IP1…: bảo vệ khi tiếp xúc với bề mặt có đường kính lớn hơn 50mm, như bàn tay chẳng hạn
- IP2…: bảo vệ khỏi các vật rắn có đường kính lớn hơn 12.5mm, ngón tay hoặc các vật tương đương
- IP3…: bảo vệ khỏi vật rắn có đường kính lớn hơn 2.5mm, các dụng cụ nhỏ như sợi dây điện chẳng hạn
- IP4…: bảo vệ không cho các vật rắn lớn hơn 1mm xâm nhập, ngăn ngừa các đầu dây, ốc vít hoặc tương tự xâm nhập
- IP5…: bảo vệ ngăn ngừa một phần khói bụi
- IP6…: bảo vệ hoàn toàn khỏi bụi nhỏ
Chữ số thứ hai, vd IP68: thể hiện khả năng kháng NƯỚC xâm nhập, bắt đầu từ số 1(chất lỏng ngưng tụ) đến số 8 (chịu được áp lực nước trên 1m), cụ thể như sau:
- IP…1: chống lại nước nhỏ giọt theo chiều dọc (theo phương thẳng đứng), thời gian chịu trong 10 phút, giống như đi dưới trời mưa nhẹ trong 10 phút.
- IP…2: chống nước phun trực tiếp khi thiết bị nghiêng một góc 15°, thời gian chịu trong 10 phút, kiểu đi dưới mưa nhẹ.
- IP…3: chống nước phun trực tiếp khi thiết bị nghiêng một góc 60° từ hai bên
- IP…4: bảo vệ khỏi nước phun theo mọi hướng
- IP…5: bảo vệ tia nước áp lực cao (vòi phun)
- IP…6: chống vào nước áp lực cực cao
- IP…7: chống vào nước dưới độ sâu 1m trong 30 phút
- IP…8: chống vào nước khi ngâm liên tục ở độ sâu hơn 1m ở áp suất nhất định.
- IP…9: bảo vệ hoàn toàn trước nước kể cả áp lực cao.
Vậy còn chuẩn ATM thì sao?
Chuẩn ATM
ATM là viết tắt của ATMosphere – đơn vị áp suất.
ATM là một đơn vị đo lường áp suất phổ biến và nó tương đương với đơn vị BAR (1ATM = 1BAR), các mức độ được mô tả như sau:
- 1ATM: chống thấm nước dưới áp lực tương đương với độ sâu 10m, chống nước mưa hoặc nước phun nhẹ, không đi bơi được.
- 3ATM: chống thấm nước dưới áp lực tương đương độ sâu 30m, chống nước phun nhẹ, nước dưới mưa, tắm dưới vòi sen.
- 5ATM: chống thấm nước dưới áp lực tương đương độ sâu 50m, chống nước dưới mưa, nước phun nhẹ, vô tình ngâm nước.
- 10ATM: chống thấm nước dưới áp lực tương đương độ sâu 100m, mang đi bơi được
- 20ATM: chống thấm nước dưới áp lực tương đương 200m, bơi thoải mái.
Và bạn cần lưu ý là các tiêu chuẩn kháng nước theo áp suất này được thí nghiệm ở môi trường tiêu chuẩn, nó khác hoàn toàn với khi bạn đi bơi, đi tắm biển nhé.
Bởi khi bạn đi bơi thì các động tác sẽ khiến cho áp lực tăng lên gấp nhiều lần so với điều kiện tiêu chuẩn ở cùng một độ sâu. Do đó bạn cũng cần phải để ý và tốt nhất là nếu được thì cất ngay các thiết bị ra trước khi đi tắm.
Tóm lược
Hy vọng bài viết cho bạn cái nhìn tổng quan cơ bản về các tiêu chuẩn chống nước để từ đó tùy vào mục đích hay nhu cầu sử dụng để lựa chọn các dòng tai nghe hay và tránh được các lỗi về nước và bụi bẩn do đặc thù công việc của bạn.
Nếu thấy bài viết hữu ích hãy chia sẻ để mọi người cùng biết bạn nhé!